Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
"Đại phẫu" các doanh nghiệp ngành nông nghiệp
Ngày cập nhật 11/07/2014

(Tài chính) Thời gian gần đây, dư luận bức xúc về những sự việc bùng nhùng ở Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nói riêng, cũng như vấn đề tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc ngành nông nghiệp nói chung. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Hà Công Tuấn đã giải đáp những thắc mắc xung quanh các vấn đề này.

Phóng viên: Thời gian gần đây, nổi lên thông tin về sự "đi đêm" giữa Vinafood 1 và Vinafood 2 với Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA), thực hư thế nào thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Khi biết bản tin oryza.com của Philippines có bài cáo buộc Bộ trưởng Philippines "đi đêm" với Vinafood 2 trong hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo, tôi đã rất bàng hoàng.

Nếu điều này xảy ra thì không thể chấp nhận được, vì thời gian gần đây quá nhiều thông tin dư luận bức xúc cho rằng trong hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam đã bán với giá quá bèo.

Trong khi 3 đối thủ còn lại đưa ra giá bỏ thầu 469,3 - 475,7 USD/tấn, thì 2 đơn vị của Việt Nam đã bỏ thầu tất cả các gói thầu với mức giá chỉ từ 436,5 - 449USD/tấn. Nếu mất tiền đút lót để rồi giành được hợp đồng xuất khẩu gạo với giá bán rẻ như vậy thì rất khó tin được.

Tôi đã trao đổi với lãnh đạo của Vinafood 2 và lãnh đạo Vinafood 1 thì được biết trước khi đi, đã có phương án đấu thầu và cơ bản thắng được gói thầu. Hai Tổng Giám đốc của các Tổng Công ty này đều khẳng định không có chuyện "đi đêm" hay hối lộ bất kỳ quan chức nào của nước bạn. Đến nay, phía chính quyền Philippines vẫn chưa chính thức có ý kiến gì về vấn đề này.

Nhưng Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc để thanh tra Vinafood 2. Xin ông cho biết sai phạm của Tổng công ty này và hướng xử lý?

Vấn đề thua lỗ của Vinafood 2 chỉ được biết đến sau khi Bộ NN&PTNT bổ nhiệm ông Huỳnh Thế Năng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang, làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty này thay ông Trương Thanh Phong, nghỉ hưu từ ngày 7/4.

Khi ông Năng có báo cáo về Bộ. Chúng tôi đã thành lập ngay đoàn kiểm tra và đến nay đã có kết quả. Theo báo cáo, 7/14 đơn vị trực thuộc của Vinafood 2 đã lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân thua lỗ chủ yếu là do lỗ trên thủy sản cá tra. Phần kinh doanh thủy sản với tổng vốn đầu tư 927 tỷ đồng cho cá tra đã hầu như thất bại hoàn toàn ở cả 3 khâu nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Như vậy là sai phạm ở đây, thay vì tập trung vào nhiệm vụ được giao là tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, thì Vinafood 2 lại đầu tư quá nhiều tiền vào lĩnh vực cá tra (không được Nhà nước giao nhiệm vụ), đã dẫn đến thua lỗ.

Sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, cuối tháng 6/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký văn bản để khắc phục hậu quả, xử lý những khuyết điểm của Vinafood 2.

Tuy vậy, khi Bộ có quyết định chỉ đạo xử lý, thì lại có quyết định của Thanh tra Chính phủ, do vậy ngay sau đó, tôi đã ký văn bản dừng việc tiến hành kiểm điểm theo quy trình của Bộ để chờ quyết định của Thanh tra Chính phủ.

Bộ NN&PTNT làm rất nhanh, phát hiện vấn đề sớm, nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu như đoàn thanh tra Chính phủ. Nội dung thanh tra đối với Vinafood 2 và một số đơn vị thành viên nằm trong Chương trình kế hoạch thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy tình trạng đầu tư không đúng nhiệm vụ được giao là một vấn đề nổi cộm trong khối các DN ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp (DN) phải thoái hết vốn đầu tư ra ngoài ngành, để chỉ chuyên chú vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được Nhà nước giao.

Tính đến nay, đã có 1 tập đoàn và 4 tổng công ty triển khai công tác thoái vốn tại tại 18 DN, bao gồm: 319,7 tỷ đồng vốn đầu tư tại các DN đã thoái vốn, 228,4 tỷ đồng số vốn đã thoái, 91,3 tỷ đồng số vốn còn lại và 2,7 tỷ đồng số tiền trích lại dự phòng.

Kế hoạch, lộ trình thoái vốn giai đoạn 2014 - 2015 của 1 tập đoàn và 12 tổng công ty đã đầu tư vốn tại 155 DN cụ thể như sau: 148 DN đề nghị thoái vốn; 7 đơn vị đề nghị giải thể, phá sản; 3.562 tỷ đồng đã đầu tư ra ngoài DN với tổng số vốn đề nghị thoái là 3.273,9 tỷ đồng.

Việc tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ NN&PTNT quản lý đến thời điểm này đã tiến hành được đến đâu, thưa Thứ trưởng?

Có thể nói chúng tôi đã tập trung vào tái cơ cấu toàn bộ các DN mà Bộ NN&PTNT được thay mặt Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Nhờ vậy, Bộ NN&PTNT được Chính phủ đánh giá là một trong những bộ thực hiện quyết liệt cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, tái cấu trúc của các DNNN.
Tính đến hết năm 2013, Bộ NN&PTNT đã CPH, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với 7/14 tổng công ty, công ty. Đã trình Thủ tướng chuyển từ phương án CPH nhà nước không giữ cổ phần chi phối sang giải thể Công ty TNHH MTV Sản xuất và Dịch vụ khoa học công nghệ thủy sản; quyết định CPH, công bố giá trị DN và đang trình Chính phủ phê duyệt phương án CPH Tổng công ty xây dựng NN&PTNT; quyết định CPH, xác định giá trị DN thời điểm 30/6/2013 đối với 2 đơn vị là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long; ban hành quyết định CPH, xác định giá trị DN đối với 2 tổng công ty là Tổng Công ty chè Việt Nam và Tổng Công ty Rau quả nông sản; hoàn thành việc sáp nhập 2 công ty về Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Riêng trong năm 2014 này, chúng tôi đang triển khai CPH 5 tổng công ty và hơn 30 DN khác không thuộc các tổng công ty này cũng đang được tiến hành CPH.

Như vậy, hầu hết các DN sẽ được chúng tôi kết thúc CPH vào năm nay. Sang năm 2015 chỉ cơ bản còn 4 DN chưa CPH là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng Công ty cà phê Việt Nam.

Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều DN đã bộc lộ những khó khăn yếu kém như thiếu vốn, thua lỗ kéo dài, khó thoái vốn… Vì vậy, Bộ kiến nghị Nhà nước nên cho phép giải thể, phá sản các DN thuộc diện có nợ khó đòi để bàn giao sang công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN.

Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét giải quyết nhu cầu vốn của các DN vì đây là việc cấp thiết để mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Làm kiên quyết nhưng đúng pháp luật, quy chế

Ông Diệp Kỉnh Tần, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyên Trưởng ban Đổi mới và Quản lý DN, Bộ NN& PTNT

Nhà nước nên cho phép giải thể, phá sản các DN thuộc diện có nợ khó đòi để bàn giao sang công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN. Mặt khác, sớm hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình khi chuyển đổi sở hữu DN, ban hành cơ chế kiểm tra các đơn vị tham gia thực hiện định giá DN, ban hành quy chế hoạt động của người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng kiên quyết loại bỏ những quy định không cần thiết, tăng cường phân cấp cho các tổng công ty những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ, yêu cầu các tổng công ty phải thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các DN Nhà nước thuộc Bộ. Làm thật kiên quyết, nhưng phải đúng pháp luật, đúng quy chế.

 

 CPH thực sự là cơ chế đổi mới về chất

Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT

Phải thấy rằng, CPH là giải pháp sắp xếp, đổi mới DNNN triệt để nhất. DN sau CPH sẽ phải tự chủ về tài chính, tự phát hành cổ phiếu, tự hạch toán độc lập, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải có trách nhiệm với tài sản của mình. Chính vì thế, có thể khẳng định, CPH thực sự là cơ chế đổi mới về chất.

Chuyển hoạt động từ hình thức được bao cấp sang tự lo là cả một quá trình, vì thế chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra sau khi CPH, như làm thế nào để không bị tư nhân hóa; người lao động không bị thất nghiệp; nâng cao tính cạnh tranh cho DN trong quá trình hội nhập.

Sau khi CPH sẽ tiến hành giải quyết vấn đề lao động theo quy định. Công ty cổ phần sẽ phải xây dựng phương án giải quyết theo thông tư hướng dẫn của các Bộ. Quan điểm của Bộ là sẽ giải quyết dứt điểm trên tinh thần đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 60
Chung nhan Tin Nhiem Mang