Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chính sách tài khóa - tiền tệ: Thách thức cho Việt Nam vượt “bẫy” thu nhập trung bình
Ngày cập nhật 19/03/2012

Chính phủ mong muốn đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 3.000 USD vào năm 2020, đòi hỏi Việt Nam phải duy trì được những thành tựu kinh tế trong 10 năm qua, tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn để vượt lên thành một nước thu nhập trung bình, mà không rơi vào chính cái "bẫy" này.

Vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập trung bình đã được bàn luận tại Hội thảo Những thách thức chính sách trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập trung bình vừa diễn ra ngày 14/3, tại Hà Nội.

Việt Nam - từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường và từ một đất nước rất nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong vòng chưa đến 20 năm và theo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội, Việt Nam mong muốn đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 3.000 đô la Mỹ vào năm 2020. Điều này có nghĩa là mức thu nhập bình quân đầu người phải tăng gần 10% mỗi năm, đòi hỏi Việt Nam phải nhân rộng và duy trì được thành tựu kinh tế mà mình đã đạt được trong mười năm qua trong vòng mười năm tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải bình ổn kinh tế vĩ mô, xây dựng cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn thế giới, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng và tăng cường các thể chế kinh tế thị trường của mình.

Theo đánh giá tại Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 của Ngân hàng thế giới WB thì để đạt được những nguyện vọng này không phải là điều dễ dàng. Việt Nam đã phải trải qua những cơn sóng gió chưa từng có trong nền kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây như lạm phát hai con số, tiền đồng mất giá, nguồn vốn tháo chạy và suy giảm dự trữ ngoại hối…làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư. Tăng trưởng nhanh cũng làm bộc lộ những vấn đề mang tính cơ cấu, cùng với đó, chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng vẫn là nguyên nhân gây quan ngại nặng nề do tăng trưởng kinh tế sử dụng quá nhiều tài nguyên, ô nhiễm cao và hàng xuất khẩu thiếu đa dạng và ít có giá trị gia tăng, tỉ trọng đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngày càng giảm.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang bị đe dọa bởi sản xuất điện không theo kịp nhu cầu, chi phí hậu cần và giá cả bất động sản leo thang, tình trạng thiếu lao động có kỹ năng ngày càng phổ biến.

Có thể nói, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn để vượt lên thành một nước thu nhập trung bình, mà không rơi vào chính cái "bẫy" này. Một trong những thách thức này là chính sách tiền tệ chưa phát huy được tác dụng.

"Thực tế là trong thời gian qua, Ngân hàng Trung ương của Việt Nam luôn phải "chạy" theo hai mục tiêu: Kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Việc theo đuổi nhiều mục tiêu, trong khi các mục tiêu này lại mâu thuẫn với nhau sẽ dẫn đến việc điều hành chính sách tiền tệ không phát huy được tác dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần được trao một nhiệm vụ rõ ràng và sự độc lập nhiều hơn để theo đuổi mục tiêu chính sách chủ đạo là ổn định giá cả." - Bà Nombulelo Duma, chuyên gia kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh.

Do vậy, bên cạnh việc Ngân hàng Trung ương cần phải có sự độc lập hơn nữa, thì việc xóa bỏ dần các biện pháp quản lý hành chính về lãi suất và sự phân bổ tín dụng cũng như tăng trưởng tín dụng là cần thiết. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thiết lập hành lang lãi suất như một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, trong đó kết hợp cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi.

Trước đó, tại buổi Họp báo Công bố quyết định hạ lãi suất của NHNN vào chiều 12/3, Thống đốc Ngân Hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn như hiện nay thì vẫn cần sử dụng các biện pháp hành chính nhưng nếu thị trường có diễn biến tốt như từ Quý IV/2011 đến nay thì có thể bỏ trần lãi suất huy động.

Điều này sẽ giúp cho việc điều hành chính sách tiền tệ được nhịp nhàng hơn, hỗ trợ tích cực cho việc đồng bộ các chính sách vĩ mô để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức về mặt chính sách trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông ông Sameer Goyal chuyên gia tài chính cao cấp, Điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Trong bối cảnh đang là nước có thu nhập trung bình, việc chủ trương thực hiện tái cấu trúc tài chính của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn thích ứng với tình hình mới. Và việc tái cấu trúc phải tiến hành song hành với phát triển thị trường trái phiếu, thị trường vốn, phân tán bớt rủi ro thông qua các nguồn tài trợ đa dạng cho nền kinh tế. Cần có kế hoạch tổng quát trong đó có mục tiêu, khung thời gian, chỉ tiêu cụ thể.

Thực tế, ở các nước khi thực hiện tái cấu trúc, sẽ có những nhóm bị ảnh hưởng nặng, “phải trả giá”. Đồng thời, sẽ có những nhóm vì lợi ích nhóm trì hoãn quá trình cải cách. Do đó, để tái cấu trúc thành công cần có cơ chế mạnh và rõ ràng trong đó tập trung vào cơ cấu lại nhân lực, năng lực quản lý, tận dụng nhà đầu tư quốc tế và minh bạch, công bằng trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, việc cải cách thuế cũng cần phải thực hiện cải cách triệt để. Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần rà soát lại hiệu quả về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, bỏ dần những loại thuế mạng lại nguồn thu ít cho ngân sách mà chi phí thu thuế cao và dễ trốn thuế, xem xét lại hiệu quả thuế giá trị gia tăng.

(T.Hương)

Theo taichinhdientu.vn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 202
Chung nhan Tin Nhiem Mang