Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa
Ngày cập nhật 06/12/2018

(MPI) – Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, ngày 30/11/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Sắp xếp, đổi mới và thích ứng với sự thay đổi trong công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội hằng năm nhằm nâng cao hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu chú trọng thực chất và hiệu quả.

Để thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 về việc phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, cùng với Nghị quyết số12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN một lần nữa đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là hết sức quan trọng.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với 55 DNNN cổ phần hóa năm 2016). Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt tiếp phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672.09 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.0847.23 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055.29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457.29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng; năm 2018 là 28.000 tỷ đồng)…

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết, việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước tiến cụ thể thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện chủ trương tách bạch quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước nhằm thiết lập quản trị hiện đại, minh bạch.

Chia sẻ một số chính sách về quản trị doanh nghiệp và cơ cấu lại DNNN ở Việt Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Hoàng Trường Giang cho rằng, cần xác định rõ vị trí, vai trò, lĩnh vực hoạt động của DNNN trong nền kinh tế, từ đó xây dựng quan điểm, mục tiêu cải cách DNNN ổn định trong thời gian dài, tạo sự nhất quán trong thực hiện. Hoàn thiện cơ chế quản lý hiện đại. Phân chia DNNN thành hai loại chính là DNNN thương mại và DNNN công ích để áp dụng các biện pháp cải cách, quản lý phù hợp… Chính phủ đang xây dựng và ban hành chính sách sở hữu xác định rõ các mục tiêu chung của sở hữu nhà nước. Chủ sở hữu xác định mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn cho DNNN… Mối quan hệ giữa DNNN với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính nhà nước và các DNNN khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy, Chính phủ không bảo lãnh cho các DNNN trong các khoản vay trong và ngoài nước. Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho DNNN, trong đó chú trọng khuôn khổ pháp lý.

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Các DNNN có quy mô lớn là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Khách cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước như bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong khi đó, việc phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập. Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát của DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hằng năm về đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước, mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh của các DNNN. Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện DNNN đã đối thoại, trao đổi về cơ chế chính sách, những rào cản, vướng mắc đối với tiến trình cổ phần hóa DNNN, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa. Đồng thời, Diễn đàn mang đến cho các cấp quản lý lãnh đạo doanh nghiệp những tư duy, nhận thức quan trọng, cũng như các công cụ và phương pháp trong công tác quản lý lãnh đạo sự thay đổi.

Các chuyên gia kinh tế, đại diện DNNN đã đưa ra những đánh giá khách quan, những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Mai Phương

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 199
Chung nhan Tin Nhiem Mang