Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
V/v hướng dẫn xây dựng dự toán và thông báo số kiểm tra năm 2020
Ngày cập nhật 30/08/2019

Căn cứ Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/06/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 5 năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2025.

 

Để có cơ sở lập và phân bổ dự toán NSNN tỉnh năm 2020, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022 và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025, Sở Tài chính đề nghị các đơn vị báo cáo đánh giá tình hình thu, chi ngân sách năm 2019, xây dựng dự toán ngân sách năm kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022 và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 của đơn vị mình theo Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/06/2019, lưu ý cần tập trung một số nội dung sau: 

I. Đánh giá tình hình thực hiện thu, chi ngân sách năm 2019

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN

- Đánh giá kết quả thực hiện thu phí, lệ phí, thu học phí (kể cả ngân sách cấp bù học phí theo chế độ), giá dịch vụ y tế, thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu, thu hoạt động sự nghiệp, thu khác và các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập 8 tháng đầu năm và ước cả năm 2019. Thu, chi từ nguồn thu phí, lệ phí đề nghị chi tiết từng loại phí, lệ phí ghi rõ số nộp ngân sách, số để lại theo quy định (số liệu thực hiện 8 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2019).

- Đánh giá, phân tích các nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm và cả năm 2019.

2. Tình hình thực hiện nhiệm vụ chi NSNN

a) Tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN 8 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2019 theo nhiệm vụ chi được giao; kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án lớn; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý về cơ ché, chính sách trong tổ chức thực hiện. Trong đó, nêu rõ tình hình thực hiện một số đề án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tình hình sử dụng kinh phí đối với một số nhiệm vụ trong năm 2019, trường hợp dự kiến không giải ngân hết thì nêu rõ lý do.

Đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ có mục tiêu, kế hoạch triển khai diễn ra trong giai đoạn 2016-2020, đánh giá chi tiết từng quyết định giao nhiệm vụ, tổng kinh phí, phân kỳ thực hiện từng năm, số lũy kế đã thực hiện đến 2019, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

b) Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, ước cả năm 2019 và tổng hợp lũy kế tình hình thực hiện đến hết năm 2019, chi tiết theo từng mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW), Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Ban Chấp hành Trung ương (Nghị quyết số 39-NQ/TW), Kết luận số 17-KL/TW ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Chính trị (Kết luận số 17-KL/TW) và các văn bản liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Thực hiện đổi mới khu vực sự nghiệp công:

- Tình hình, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và bổ sung, sửa đổi tại Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp cụ thể (Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác,…). Đánh giá tình hình thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; tác động của việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao khả năng tự chủ đến NSNN theo nhiệm vụ, năm.

Riêng trong lĩnh vực y tế, đánh giá kết quả thực hiện giảm cấp chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ y tế và việc sử dụng số kinh phí dành ra theo hướng dẫn tại Thông tư số 132/2017/TT-BTC, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị.

- Tình hình triển khai đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Chương trình hành động số 99/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

d) Báo cáo về biên chế, quỹ lương, nguồn đảm bảo tiền lương theo mức tiền lương tối thiểu 1.490.000 đồng/người/tháng và xác định nguồn cải cách tiền lương còn dư của các năm chuyển sang năm 2020 (nếu có).

e) Đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và chương trình dự án khác (thực hiện đánh giá theo từng nhiệm vụ được giao hoặc từng nhiệm vụ mà đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện; hiệu quả lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình).

f) Kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu, đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục (nếu có).

g) Tình hình thực hiện các kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra.

II. Số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 của các đơn vị

Sở Tài chính thông báo số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2019 cho một số đơn vị dự toán cấp 1 có quy mô ngân sách tương đối lớn theo chi tiết đính kèm.

Số kiểm tra là số tạm giao để các đơn vị có cơ sở lập dự toán năm 2020, Sở Tài chính sẽ xem xét, thẩm định và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh.

III. Xây dựng dự toán năm 2020

Năm 2020 là năm cuối triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020, Chiến lược tài chính đến năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2016-2020 và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 05 năm giai đoạn 2016-2020; là năm quyết định việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách 10 năm giai đoạn 2011-2020 và 05 năm giai đoạn 2016-2020 đã đề ra của các cấp có thẩm quyền.

Do đó, công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2020 cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các đơn vị căn cứ số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 đã được thông báo (nếu có); mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của ngành, lĩnh vực cùng với yêu cầu chi tiêu công chặt chẽ, hiệu quả để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 sát với các khả năng, nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của đơn vị; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước hiện hành và rà soát, lồng ghép các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi thường xuyên trên tinh thần tiết kiệm; quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán; dự toán NSNN phải thuyết minh rõ ràng, chi tiết số thu, nhiệm vụ chi. Các đơn vị chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Dự toán NSNN của đơn vị có đơn vị trực thuộc (đơn vị dự toán cấp dưới), đề nghị dự kiến phân bổ kinh phí chi tiết đến từng đơn vị trực thuộc; cần so sánh với dự toán và ước thực hiện dự toán năm 2019 của đơn vị; thuyết minh chi tiết lý do chênh lệnh tăng giảm, trong đó lưu ý nhu cầu tăng thêm kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách mới ban hành hoặc do UBND tỉnh bổ sung thêm nhiệm vụ; giảm chi đối với các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán năm 2019 nhưng không tiếp tục thực hiện trong năm 2020.

1. Dự toán thu của các đơn vị

- Các cơ quan, đơn vị cần rà soát, tổng hợp đầy đủ các khoản thu phí, lệ phí (bao gồm số thu, nộp NSNN và số để lại chi theo quy định) theo danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí; ước số thu phí, lệ phí thực hiện năm 2019, dự kiến những yếu tố tác động đến số thu năm 2020 để xây dựng dự toán thu phù hợp, tích cực, cụ thể theo từng khoản thu phí, lệ phí (chi tiết: số thu, số được để lại chi theo chế độ chi tiết các lĩnh vực chi tương ứng, số nộp NSNN) làm cơ sở giao dự toán thu phí, lệ phí và dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại sát với thực tế.

- Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước dự kiến số phí được để lại chi theo quy định (chi tiết dự kiến việc sử dụng cho chi thường xuyên theo quy định, chi cho các chương trình, dự án đầu tư đã được duyệt-nếu có, theo phân kỳ năm 2020 và tiến độ triển khai thực tế).

- Đối với số thu học phí, giá dịch vụ y tế và các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí) tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ nguồn thu này và các khoản thu khác được để lại chi để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định.

- Đối với các khoản thu sự nghiệp (không thuộc danh mục phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí), các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, không là chỉ tiêu giao dự toán thu, chi NSNN cho các đơn vị, nhưng phải lập dự toán riêng và xây dựng phương án sử dụng gửi Sở Tài chính để tổng hợp theo quy định.

2 Về dự toán chi sự nghiệp có tính chất XDCB

Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng trước 31/12/2019 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ XDCB; các dự án quan trọng, cấp bách dự kiến cần phải hoàn thành năm 2020 đã có đủ cơ sở bố trí vốn, theo tiến độ trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2020. Đơn vị có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ các công trình, dự án mà đơn vị đề nghị bố trí kinh phí để có cơ sở xem xét, tổng hợp (thuyết minh chi tiết về tên công trình; mục tiêu sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; sự cần thiết, lý do thực hiện; văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền; khối lượng công việc dự kiến; hồ sơ khái toán xác định tổng mức sửa chữa do đơn vị tư vấn xây dựng lập).

3. Dự toán chi thường xuyên

a) Các sở, ban, ngành và đoàn thể căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và số kiểm tra dự toán thu, chi NSNN năm 2020 (nếu có) để xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, đảm bảo đúng chính sách, chế độ và các nguyên tắc, tiêu chi, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN theo Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán chi thường xuyên đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, phạm vi sử dụng đối với từng nguồn kinh phí. Trong đó, ngay từ khâu xây dựng dự toán phải triệt để tiết kiệm, chi cho bộ máy quản lý, sự nghiệp công, giảm tối đa cả về số lượng và quy mô tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi lễ hội, chi kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công. Dự toán các nhiệm vụ nêu trên không tăng so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2019, lưu ý một số nội dung sau:

- Báo cáo các nhiệm vụ của ngành, đơn vị triển khai trong năm 2020.

- Đối với quỹ lương, phụ cấp năm 2020, thuyết minh rõ các nội dung sau:

   + Số biên chế năm 2020 (bằng số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2019, trừ đi (-) số biên chế giảm trong năm (nghỉ theo chế độ và tinh giản biên chế trong năm 2019, cộng với (+) số bổ sung trong năm 2019), trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm lập dự toán, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu được duyệt (nếu có).

   + Xác định Quỹ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, các khoản đóng góp theo chế độ (BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ) thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, Luật BHXH, Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Bao gồm:

       ++ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế thực có mặt tính đến thời điểm lập dự toán (trong phạm vi biên chế được duyệt), được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ.

       ++ Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, hệ số lương 2,34/biên chế và các khoản đóng góp theo chế độ.

b) Dự toán chi năm 2020 phải làm rõ các khoản chi phát sinh trong năm 2020 nhưng chưa có trong năm 2019 và ngược lại, các khoản tăng chi theo chính sách, chế độ và các nhiệm vụ phát sinh mới cấp thiết trong năm 2020. Đơn vị không thuyết minh rõ, Sở Tài chính sẽ không có cơ sở tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện. Đơn vị cần lưu ý xây dựng chi tiết đến từng khoản chi tự chủ và chi không tự chủ, chi từ nguồn thu ngân sách cấp, chi từ nguồn thu để lại đơn vị, chi từ nguồn thu dịch vụ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó:

- Dự toán kinh phí đặc thù, đơn vị lập dự toán trên cơ sở các nhiệm vụ không được bố trí kinh phí trong định mức chi thường xuyên, kèm theo thuyết minh chi tiết về cơ sở xây dựng dự toán cho từng khoản chi.

Đối với kinh phí thực hiện các chương trình, đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt phải nêu rõ tổng mức kinh phí phải bố trí, số đã bố trí, số còn lại phải bố trí.

Đối với kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khác (nếu có) phải có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện trong năm 2019, thuyết minh về cơ sở thực hiện, sự cần thiết, hiệu quả của nhiệm vụ mang lại... kèm theo thuyết minh chi tiết về cơ sở pháp lý, chi tiết tính toán và giải trình cụ thể cho từng khoản chi.

- Trường hợp các nhiệm vụ chi lớn, quan trọng và cấp thiết phát sinh năm 2020 nhưng không thể sắp xếp trong dự toán chi theo số kiểm tra đã được thông báo, đề nghị tổng hợp báo cáo riêng, có thuyết minh chi tiết cơ sở, căn cứ lập dự toán (chủ trương, chính sách chế độ, tình hình kết quả thực hiện, mức bố trí dự toán chi 2020 và các năm tiếp theo).

- Xây dựng và tổng hợp dự toán chi đảm bảo hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, kinh phí thanh tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong dự toán chi thường xuyên lĩnh vực tương ứng của đơn vị mình.

- Không lập dự toán đối với các chương trình, kế hoạch, dự án chưa được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Cơ quan Đảng lập dự toán và thuyết minh kinh phí tổ chức Đại hội Đảng các cấp.

- Đối với các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, dự toán ngân sách năm 2020 được xác định căn cứ vào nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm 2019.

c) Một số lưu ý thêm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2020

- Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: Lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuyết minh cụ thể các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, các nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên khác của tổ chức khoa học và công nghệ. Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập theo quy định của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề: Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách phụ cấp thâm niên nhà giáo, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: Thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu chi thực hiện các chương trình, đề án của ngành y tế; dự kiến số kinh phí giảm cấp chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp y tế theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; nhu cầu kinh phí NSNN phải đảm bảo chi trả tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù chưa kết cấu vào giá dịch vụ y tế, chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định, tổng hợp theo Biểu số 14.

Dự kiến tác động đối với dự toán NSNN năm 2019 khi triển khai thực hiện Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế; Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 và Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng. Tính toán phần tiền lương tiếp tục giảm trừ trong trong dự toán năm 2020 khi tiền lương đã kết cấu vào giá dịch vụ y tế; Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 sữa đổi bổ sung. Dự kiến các đơn vị nguồn thu không đảm bảo chi khi áp dụng giá dịch y tế từ năm 2020 theo biểu số 15. Ngoài ra để đảm bảo hoạt động của trạm y tế xã, đề nghị Sở Y tế rà soát dự kiến mức chi trạm xá phí đảm bảo cho Trạm y tế hoạt động.

- Chi các hoạt động kinh tế: Xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách. Xây dựng dự toán kinh phí Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp kinh tế công lập theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP và Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP; kinh phí thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

d) Lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương

Năm 2020, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định (kinh phí tăng thêm từ mức lương 1.210.000 đến mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/người/tháng). Các cơ quan, đơn vị trên cơ sở dự toán NSNN được giao để tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ). Đồng thời, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp có thu được giao tự chủ phấn đấu tăng thu cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ và sử dụng nguồn thu này ưu tiên để thực hiện cải cách tiền lương.

Các đơn vị báo cáo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Biểu số 06 (Kể cả các đơn vị quản lý nhà nước có nguồn thu được để lại theo quy định).

IV. Lập kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2020-2022

- Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2020, căn cứ các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu trong thời gian 03 năm 2020-2022 của tỉnh, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị thực hiện lập kế hoạch tài chính 03 năm 2020-2022 theo Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm; Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 07/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và Chương III của Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2020-2022 và các văn bản hướng dẫn khác gửi Sở Tài chính tổng hợp theo quy định.  

- Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2020-2022 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2020, sử dụng số dự kiến dự toán thu, chi NSNN năm 2020 làm cơ sở xác định kế hoạch thu, chi NSNN cho 02 năm 2021 và năm 2022.

- Khi xây dựng kế hoạch cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; không đề xuất các chính sách làm giảm thu ngân sách; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

- Các mục tiêu, nhiệm vụ về thu, chi từng năm trong giai đoạn kế hoạch 2020-2022 cần bám sát mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan, đơn vị trong giai đoạn 03 năm kế hoạch.

- Kế hoạch chi NSNN 03 năm được lập trên cơ sở kế hoạch tài chính 03 năm 2019-2021, dự kiến dự toán chi NSNN năm 2020 và trần chi ngân sách năm 2021 và năm 2022, đồng thời xác định khả năng giảm chi thường xuyên các lĩnh vực sự nghiệp năm 2021, năm 2022 theo lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực. Trần chi năm (N+1) được xác định trên cơ sở dự toán giao năm N cộng (+) các khoản dự kiến tăng trong năm (N+1) trừ (-) các khoản dự kiến giảm trong năm (N+1).  

V. Về biểu mẫu báo cáo

1. Đối với dự toán NSNN năm 2020: tổng hợp theo Biểu số 01 đến 06 và các phụ biểu 01 đến 06. Riêng Sở Y tế báo cáo thêm biểu số 14 và 15.

2. Đối với kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2020-2022: tổng hợp theo Biểu số 07 đến 13.

Các biểu mẫu hướng dẫn tại Công văn này được đăng tải trên website của Sở Tài chính tại địa chỉ: http//stc.thuathienhue.gov.vn (mục Thông báo).

VI. Về thời gian gửi dự toán của các đơn vị

Đề nghị các đơn vị tổng hợp, gửi báo cáo đánh giá dự toán NSNN năm 2019, xây dựng dự toán NSNN năm 2020 và lập kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2020-2022 về Sở Tài chính trước ngày 20/09/2019 để Sở Tài chính thẩm định và tổng hợp dự toán NSNN toàn tỉnh. Sau thời điểm nêu trên, nếu đơn vị không có dự toán gửi Sở Tài chính hoặc gửi nhưng không đúng biểu mẫu thì Sở Tài chính sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ấn định số dự toán, báo cáo UBND tỉnh về phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2020.

Sở Tài chính thông báo cho các đơn vị biết, thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 2.559
Chung nhan Tin Nhiem Mang