Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa văn bản cho “kho bạc 3 không
Ngày cập nhật 05/12/2023
(TBTCO) - Với việc gia tăng các tiện ích trên dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước đã trở thành kho bạc điện tử khi mọi giao dịch được thực hiện cơ bản trên môi trường mạng. Tuy nhiên, để trở thành “kho bạc 3 không” với không khách hàng, không tiền mặt và không hồ sơ giấy, Kho bạc Nhà nước đang tiếp tục nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, đẩy nhanh việc số hóa các hồ sơ, văn bản trong giao dịch.
 
Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa văn bản cho “kho bạc 3 không
Công chức kho bạc nhà nước đang thực hiện rà soát số liệu chi ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: CTV

Thêm nhiều các tiện ích trên dịch vụ công trực tuyến

Với việc triển khai dịch vụ công trực tuyển (DVCTT), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã mở ra kênh giao dịch điện tử của KBNN, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng internet.

Từ DVCTT, KBNN đã triển khai quy trình liên thông giữa các chương trình ứng dụng DVCTT, Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán song phương điện tử giúp tự động hóa tối đa các bước xử lý trên chương trình, nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN, chuẩn hóa dữ liệu của ĐVSDNS khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên DVCTT.

KBNN cũng đã hoàn thành việc tích hợp DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan triển khai mở rộng các dịch vụ thu phạt vi phạm hành chính.

Trong năm 2021, KBNN đã hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ trên nền tảng số theo hướng liên thông. Theo đó người dùng KBNN chỉ thực hiện trên hệ thống DVCTT (phân hệ dành cho đơn vị kho bạc) và tự động hạch toán kế toán, thanh toán trên Tabmis, thanh toán điện tử với ngân hàng.

Ngày 4/3/2022, KBNN đã ban hành Quyết định số 935/ QĐ-KBNN về Quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT KBNN. Đây là cơ sở để các cơ quan, ĐVSDNS có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống DVCTT, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần. Qua đó tăng cường trải nghiệm của người dùng, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, đồng thời giảm tải cho hệ thống DVCTT KBNN...

Cần sự vào cuộc đồng bộ để số hóa các văn bản

Với sự nỗ lực gia tăng các tiện ích trên DVCTT cùng việc phối hợp thu ngân sách nhà nước và ủy nhiệm chi với các hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, KBNN đã hoàn thành được “2 không” (không khách hàng giao dịch, không giao dịch bằng tiền mặt) trong mục tiêu “3 không” đã đặt ra.

Hiện nay, tại KBNN vẫn còn tình trạng ĐVSDNS gửi hồ sơ giấy. Lý giải cho tình trạng này, bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, do đây là hồ sơ mật hoặc hồ sơ là hợp đồng bị quá dung lượng nên ĐVSDNS không thể scan để gửi trên DVCTT, do đó bắt buộc phải mang trực tiếp đến kho bạc.

TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG CHỮ KÝ SỐ

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện mục tiêu không có khách hàng trực tiếp, không tiền mặt tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng, giúp khách hàng ở đâu cũng có thể giao dịch được với KBNN do sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như các tiện ích từ ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu không chứng từ giấy, công việc này đòi hỏi các đơn vị tăng cường sử dụng chữ ký số…

Để giải quyết tình trạng này và để KBNN thực sự trở thành “kho bạc 3 không”, theo bà Huệ, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên bao gồm KBNN, các ĐVSDNS cùng các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các ĐVSDNS cần thực hiện số hóa các giấy tờ, chứng từ thanh toán trong thu chi thường xuyên và chia sẻ, liên thông phần mềm kế hoạch với KBNN thông qua Cổng dịch vụ công.

Đối với các hồ sơ liên quan đến chi đầu tư, Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, KBNN đã có báo cáo để xây dựng các quy định pháp lý xây dựng hợp đồng điện tử. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về nội dung này, dự kiến trình Chính phủ vào năm 2024.

Về phía KBNN, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ và tăng cường tiện ích phục vụ công tác quản lý của lãnh đạo KBNN các cấp, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống DVCTT theo hướng: Cung cấp DVCTT cho khách hàng qua đa kênh, bao gồm cả kênh mobile; xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua DVCTT; hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học để đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước; cung cấp cổng kết nối trực tiếp từ phần mềm của đơn vị sử dụng ngân sách (Phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp) tới DVCTT của KBNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian thực hiện cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi gửi hồ sơ đến KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận tiện hơn nữa cho các ĐVSDNS và KBNN.

Với những nỗ lực của KBNN, theo bà Huệ, kỳ vọng đến năm 2024, KBNN sẽ có đủ điều kiện kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu với các ĐVSDNS về hợp đồng điện tử. Theo đó, khi các bên thực hiện được đồng bộ trên cổng dịch vụ công sẽ giảm chứng từ giấy, giúp KBNN nhanh chóng trở thành Kho bạc 3 không – nền tảng vững chắc cho Kho bạc số vào năm 2030./.

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 161
Chung nhan Tin Nhiem Mang