Thực hiện Thông tư số 128/2008/TT-BTC, KBNN đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và một số ngân hàng thương mại tổ chức ký kết văn bản thoả thuận hợp tác về việc tổ chức phối hợp thu NSNN; riêng KBNN đã ban hành công văn, quy trình hướng dẫn thực hiện phối hợp thu NSNN giữa KBNN- cơ quan thu –NHTM trong toàn hệ thống và đã triển khai tại các địa phương. Qua gần 02 năm thực hiện, có thể đánh giá kết quả công tác tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN – Tổng cục Thuế/Hải quan – NHTM đạt được như sau:
Thứ nhất, về số lượng đơn vị triển khai, trong đó đối với thu nội địa, theo báo cáo của các KBNN địa phương đến hết 31/05/2011 thì trong tổng số 53 KBNN tỉnh, thành phố và 508 KBNN quận, huyện đã triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN, thì đã có 51 KBNN tỉnh, thành phố với khoảng 415 KBNN quận, huyện (bao gồm cả phòng Giao dịch) tổ chức công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM (82% số đơn vị KBNN quận, huyện đã triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN); trong đó, có khoảng 400 KBNN quận, huyện đã triển khai phối hợp thu NSNN với NHTM cả bằng tiền mặt và chuyển khoản (khoảng 15 KBNN quận, huyện mới chỉ triển khai phối hợp thu bằng chuyển khoản). Số lượng các điểm giao dịch của NHTM (bao gồm cả chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc) đã tham gia phối hợp thu là trên 900 đơn vị, gấp trên 2 lần số đơn vị KBNN đã triển khai phối hợp thu NSNN (tức là số điểm giao dịch cho người nộp thuế tại những địa bàn đã triển khai phối hợp thu đã được tăng gấp trên 3 lần).
Việc triển khai phối hợp thu NSNN cũng đã được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm có số thu NSNN lớn, đối tượng nộp thuế đông, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc tại KBNN như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa; trong đó, nhiều địa phương đã triển khai tại 100% đơn vị cấp huyện như: Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, Hải Dương, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh,… (tại những đơn vị này, thì cơ bản các chứng từ thu NSNN phát sinh tại các NHTM đã được chuyển về KBNN dưới dạng chứng từ điện tử).
Về thu xuất nhập khẩu, trong số 32 Cục Hải quan và 192 Chi cục Hải quan đã triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN, đã triển khai công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN – Tổng cục Hải quan – NHTM được khoảng 54 đơn vị và chủ yếu tập trung tại một số địa bàn tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Ngoài ra, dối với việc ủy nhiệm thu phạt vi phạm hành chính, theo số liệu báo cáo của các KBNN địa phương, đã có khoảng trên 140 đơn vị KBNN cấp huyện (bao gồm cả Phòng giao dịch) tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức uỷ nhiệm thu phạt vi phạm hành chính cho NHTM đảm nhận cùng với việc tổ chức phối hợp thu NSNN; trong đó, tại một số tỉnh, thành phố đã tổ chức ủy nhiệm thu phạt tại tất cả các đơn vị KBNN cấp huyện trực thuộc như: Hà Nội, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, Nghệ An, Bà Rịa- Vũng Tàu,…. Số lượng các điểm giao dịch của các NHTM đã triển khai thu phạt vi phạm hành chính là khoảng 320 điểm. Qua đó, đã tạo thuận lợi cho người nộp phạt làm thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính (họ có thể lựa chọn nộp phạt tại KBNN hoặc điểm giao dịch của NHTM nơi thuận tiện nhất).
Thứ hai, về công tác tổ chức phối hợp thu của các NHTM, trong đó, đối với số phải thu NSNN, về cơ bản, các NHTM đã nhận được số phải thu NSNN do KBNN (TW) chuyển đến để thực hiện thu NSNN từ người nộp thuế tại các chi nhánh, phòng Giao dịch của NHTM; đồng thời, tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng và bảo mật thông tin về người nộp thuế theo đúng mục đích để tổ chức phối hợp thu NSNN.
Nhìn chung, dữ liệu về số phải thu NSNN do cơ quan thuế cung cấp đã hỗ trợ tốt công tác tổ chức phối hợp thu NSNN tại các NHTM. Riêng đối với việc nhận dữ liệu thu thuế xuất nhập khẩu (danh sách các tờ khai hải quan), thì các NHTM có thuận lợi hơn so với KBNN (do chương trình của NHTM được thiết kế theo mô hình tập trung trên giao diện WEB, nên không phải truyền/nhận dữ liệu giữa trung ương và địa phương; đồng thời, máy chủ tại các NHTM cũng có cấu hình mạnh hơn so với máy chủ của KBNN), nên dữ liệu về tờ khai hải quan tại các chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM đầy đủ hơn so với KBNN.
Đối với số đã thu NSNN, về cơ bản, số đã thu NSNN đều được các NHTM truyền đầy đủ, chính xác, nhanh chóng sang KBNN; hầu hết các đơn vị KBNN đã nhận được số liệu NHTM chuyển sau khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ.
Về tinh thần phục vụ khách hàng (KBNN và đối tượng nộp thuế), hầu hết các chi nhánh NHTM tham gia phối hợp thu NSNN đã thực hiện theo đúng những điều khoản đã cam kết với KBNN và các cơ quan thu. Cụ thể, đa số các NHTM đã bố trí các điểm nộp NSNN tại trụ sở chi nhánh và phòng Giao dịch thuận lợi cho người nộp thuế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí cán bộ có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức thu tiền từ người nộp thuế; chỉ đạo, quán triệt cán bộ nghiệp vụ phải có thái độ tiếp đón tận tình và hướng dẫn chu đáo cho người nộp thuế, nên đã gây được thiện cảm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người nộp thuế.
Về công nghệ thông tin phục vụ tổ chức thu NSNN tại NHTM, trên cơ sở chương trình ứng dụng TCS của KBNN, các NHTM đã đầu tư xây dựng ứng dụng thu NSNN theo mô hình tập trung trên công nghệ WEB, có gắn với hệ thống Corbanking và có đầy đủ các chức năng tương tự như ứng dụng TCS tại KBNN. Vì vậy, việc triển khai thực hiện có thuận lợi hơn so với KBNN, cụ thể: dữ liệu được tập trung tại trung ương, nên tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống (NHTM - KBNN - Tổng cục Thuế/Hải quan); các NHTM không phải truyền nhận thông tin giữa Hội sở chính và các chi nhánh, nên tránh được tình trạng dữ liệu bị chậm hoặc bị thất lạc trên đường truyền; việc tập trung dữ liệu tại trung ương cũng tạo điều kiện cho các NHTM có thể nghiên cứu, phát triển các ứng dụng thu NSNN hiện đại khác (như tổ chức thu đa điểm, thu qua ATM, intenetbanking,...) cũng như tra cứu thông tin, hỗ trợ người nộp thuế bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các thông tin trên chứng từ thu NSNN khi họ đến làm thủ tục nộp NSNN.
Thứ ba, về phía người nộp thuế, bên cạnh những lợi ích đã có được từ việc triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN (như quy trình, thủ tục thu nộp NSNN được đơn giản hóa; người nộp thuế chỉ cần lập 1 liên duy nhất bảng kê nộp thuế thay vì phải lập đầy đủ các chỉ tiêu khá phức tạp trên cả 4 liên giấy nộp tiền như trước đây), thì thông qua công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM, người nộp thuế cũng có thêm một số thuận lợi khác nữa như: người nộp thuế có thể lựa chọn làm thủ tục nộp tiền tại các địa điểm phù hợp với mình nhất (nơi có trụ sở KBNN hoặc chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM đã tham gia phối hợp thu); người nộp thuế có thể làm thủ tục nộp tiền ngoài giờ hành chính hoặc nộp vào ngày nghỉ (các chi nhánh, phòng Giao dịch của NHTM thường tổ chức thu tiền đến 18h hàng ngày và làm việc cả vào thứ 7); được các NHTM tra cứu, hỗ trợ thông tin để bổ sung, hoàn thiện chứng từ nộp NSNN. Ngoài ra, trong thời gian tới người nộp thuế còn được sử dụng thêm các dịch vụ nộp văn minh, kịp thời, chính xác như: nộp qua internetbanking, mobilebanking, ATM…, (hiện nay, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hoàn thiện xong ứng dụng và đang tiến hành triển khai việc thu nộp thuế qua qua internetbanking, mobilebanking, ATM).
Thứ tư, về phía KBNN, trên cơ sở hướng dẫn của KBNN (TW), các đơn vị KBNN đã chủ động phối hợp với các cơ quan thu và NHTM xây dựng kế hoạch triển khai phối hợp thu NSNN trên địa bàn phù hợp, đảm bảo đúng định hướng cải cách chung của ngành và sự ổn định của đội ngũ cán bộ KBNN tại địa phương.
Theo KBNN, quá trình triển khai thực hiện công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN – Tổng cục Thuế/Hải quan – NHTM đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào việc hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu nộp NSNN; nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan thu (Thuế, Hải quan) và KBNN; tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế; góp phần xây dựng hệ thống thông tin tài chính tích hợp (IFMIS) và hình thành Chính phủ điện tử.
PV -Theo www.btc